Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp
Nằm trong khuôn khổ chương trình “Cà phê kết nối doanh nghiệp tỉnh Cà Mau năm 2023”, sáng ngày 16/9/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chủ trì buổi gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Nằm trong khuôn khổ chương trình “Cà phê kết nối doanh nghiệp tỉnh Cà Mau năm 2023”, sáng ngày 16/9/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chủ trì buổi gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp, HTX trong khuôn khổ chương trình “Cà phê kết nối doanh nghiệp tỉnh Cà Mau năm 2023” ngày 16/9/2023.
Tại buổi gặp gỡ, các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh nêu những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc tiếp cận nguồn vốn vay phát triển sản xuất, kinh doanh. Hiện một số doanh nghiệp, HTX mới thành lập còn thiếu máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất. Phía doanh nghiệp, HTX mong muốn tỉnh tạo điều kiện hỗ trợ trang thiết bị, máy móc phục vụ hoạt động sản xuất; hỗ trợ nâng hạng các sản phẩm OCOP trên địa bàn. Đồng thời, tạo cầu nối, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX được vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi.
Trao đổi về vấn đề vay vốn, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh tỉnh Cà Mau và các chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh thông tin, giải đáp thắc mắc của các doanh nghiệp, HTX. Theo NHNN Việt Nam chi nhánh tỉnh Cà Mau, nguồn vốn vay tại các NHTM hiện rất dồi dào. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp, HTX chưa chứng minh được phương án kinh doanh khả thi, không có tài sản đảm bảo nên chưa được xem xét vay vốn. Để tháo gỡ khó khăn, các doanh nghiệp, HTX phải chủ động cơ cấu lại hoạt động, nâng cao trình độ quản lý, năng lực sản xuất, kinh doanh; xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, hiệu quả... NHNN Việt Nam chi nhánh tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo các chi nhánh NHTM trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai các chương trình tín dụng, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, HTX tiếp cận nguồn vốn vay theo quy định.
Đối với đề xuất của các doanh nghiệp, HTX, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử giao Sở Công Thương tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan rà soát các điều kiện, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX có nhu cầu hỗ trợ trang thiết bị, máy móc lập hồ sơ, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định. Lãnh đạo tỉnh đã phân công trực tiếp các sở, ngành có liên quan hỗ trợ doanh nghiệp, HTX xây dựng phương án, nâng hạng các sản phẩm OCOP. Hỗ trợ trưng bày, quảng bá giao dịch sản phẩm OCOP, đảm bảo chuẩn bị chu đáo các điều kiện để tổ chức Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra vào cuối năm nay.
Tại buổi gặp gỡ, đại diện nhà đầu tư xây dựng chợ lớn Sông Đốc (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) nêu những khó khăn liên quan đến việc cho thuê các quầy, sạp buôn bán tại chợ. Hiện các tiểu thương chủ yếu buôn bán bên ngoài chợ mà không thuê mặt bằng chợ để buôn bán khiến nhà đầu tư gặp khó.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện lãnh đạo UBND huyện Trần Văn Thời thông tin: Trước phản ánh của nhà đầu tư, UBND huyện Trần Văn Thời đã chỉ đạo rà soát, tìm hiểu nguyên nhân. Qua ghi nhận thực tế cho thấy, phần lớn các tiểu thương sản xuất kinh doanh trên địa bàn thị trấn Sông Đốc chủ yếu kinh doanh các mặt hàng hậu cần nghề cá, đòi hỏi mặt bằng rộng. Tuy nhiên, các quầy bố trí tại khu vực chợ này có diện tích nhỏ, kết cấu chưa phù hợp. Để thu hút các tiểu thương vào buôn bán tại chợ, đề nghị phía nhà đầu tư cần có phương án điều chỉnh dự án, cải tạo chợ, hoàn thiện hồ sơ, đảm bảo phương án phòng cháy chữa cháy và có cơ chế phù hợp để khuyến khích tiểu thương vào chợ kinh doanh, buôn bán.
Liên quan đến vấn đề chợ ở thị trấn Sông Đốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử đề nghị UBND huyện Trần Văn Thời tổ chức cuộc họp lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của tiểu thương. Từ đó, UBND huyện phối hợp, hỗ trợ nhà đầu tư điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn, hướng đến khai thác chợ hiệu quả thời gian tới.