Bàn giải pháp giảm giá thành nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh
Thứ Ba, 31/10/2023 10:14 GMT+7
Sáng ngày 21/9/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chủ trì hội nghị chuyên đề bàn giải pháp giảm giá thành nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh.
Sáng ngày 21/9/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chủ trì hội nghị chuyên đề bàn giải pháp giảm giá thành nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh.
Đại biểu tham dự hội nghị.
Tính đến tháng 8/2023, diện tích nuôi tôm của tỉnh trên 278.000 ha; trong đó, diện tích nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh trên 6.800 ha. Thời gian qua, người nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là giá tôm sụt giảm, trong khi giá thành nguyên liệu đầu vào tăng và có xu hướng tăng từ đây đến cuối năm 2023.
Theo kết quả khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, có khoảng 90% các hộ nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh đều thiếu vốn sản xuất và phải thông qua vốn đầu tư của đại lý, nhà phân phối là chính. Từ đó, đối với hộ nuôi trả sau phải chịu giá thức ăn, giá thuốc cao hơn khi thanh toán tiền mặt 100% hoặc trả trước một phần. Bên cạnh đó, người nuôi có xu hướng sử dụng thức ăn có độ đạm cao nên làm tăng giá thành sản phẩm; một số khu vực nuôi chưa được đầu tư điện 3 pha, chưa áp giá điện; nhà máy sản xuất thức ăn đa phần của các tập đoàn nước ngoài nên chưa can thiệp được về giá bán.
Tại hội nghị, đại biểu đã thảo luận, trao đổi ý kiến và kiến nghị ngành chức năng quan tâm tháo gỡ khó khăn cho người nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh về vốn, kỹ thuật sản xuất, con giống, giá nguyên liệu đầu vào và đầu ra của con tôm…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chỉ đạo: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung xây dựng liên kết chuỗi trong nuôi tôm siêu thâm canh để hướng tới sản xuất bền vững và tạo điều kiện để người dân tiếp cận với vốn tín dụng. Theo đó, phải mời các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào có thị phần lớn, ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh để tham gia liên kết trong chuỗi; phối hợp với chính quyền và đoàn thể tiến hành tuyên truyền, vận động hộ nuôi tôm riêng lẻ tham gia vào chuỗi liên kết khi đủ điều kiện. Khẩn trương làm việc với các ngân hàng thương mại sau khi đã mời được các thành phần tham gia chuỗi để bàn về hợp đồng liên kết và hỗ trợ tín dụng. Ngoài ra, trong chuỗi liên kết này, nên liên hiệp những đơn vị chung ngành nghề để cạnh tranh lành mạnh cũng như tạo cho liên kết trở nên bền vững hơn. Phối hợp với địa phương quản lý chặt giá thức ăn, thuốc, hóa chất, các loại vật tư đầu vào và chấn chỉnh ngay tình trạng chênh lệch giá thành thức ăn giữa thanh toán tiền mặt trước và sau vụ nuôi. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Cà Mau tiến hành tuyên truyền, vận động khách hàng về các điều kiện để tiếp cận và thụ hưởng các chính sách, khuyến khích trong tín dụng hiện nay. Ngành Thuế rà soát các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để làm giảm giá thành sản phẩm đầu vào trong nuôi tôm. Sau khi xác định được giải pháp, cách làm thì cần có kế hoạch cụ thể thí điểm hoặc triển khai rộng rãi trong thời gian ngắn nhằm khắc phục được khó khăn cho người dân nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh.
Kim Nhiên